Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến trong các trường học

Làm sao để các trường học tìm được giải pháp đào tạo trực tuyến e-learning tốt nhất, kịp theo đuổi tốc độ phát triển của công nghệ.

Loan Nguyễn
Loan Nguyễn

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến tại các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

lady teacher in brown coat waving in front of a laptop
Photo by Beci Harmony / Unsplash


Xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế về đảm bảo chất lượng E-learning

Ở góc độ vĩ mô, Nhà nước cần hoạch định chính sách và ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về giáo dục mà cụ thể là các quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp liên quan đến phương thức E-learning, đảm bảo để các chính sách và quy định pháp luật này là khung pháp lí vững chắc, là tiền đề để thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phương thức E-learning phát triển, bắt kịp với sự thay đổi mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Các trường đại học cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm tạo hành lang cho việc thực hiện E-learning 4.0. Đồng thời, hoàn thiện các quy định, quy chế về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam, làm cơ sở để các trường tự đánh giá và đảm bảo chất lượng. Cụ thể:

- Cần bổ sung và hoàn hiện các quy định để công tác quản lí các hoạt động dạy - học hiệu quả, chất lượng, tạo động lực thúc đẩy sinh viên tích cực tham gia quá trình tự học, tích cực tìm hiểu nghiên cứu các tài liệu học tập và tương tác với giảng viên, sinh viên khác.

- Tạo điều kiện cho giảng viên tích cực phát huy vai trò giảng dạy trên môi trường trực tuyến. Tạo cơ chế thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động tương tác giữa giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên với sinh viên nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Giảng viên chịu trách nhiệm về chuyên môn của khóa học, cán bộ xây dựng kế hoạch đào tạo kiểm soát nội dung được thiết kế tuân theo đúng yêu cầu đề cương của học phần, cán bộ hỗ trợ đào tạo hỗ trợ về kĩ thuật để xây dựng bản thiết kế và đưa lên lớp học trực tuyến để sinh viên theo dõi. Cần quy định các tiêu chí đánh giá cho về: giảng viên, hoạt động giảng dạy, học tập, tương tác,... để làm cơ sở đánh giá và tổng kết. Kết quả đánh giá cần được sử dụng làm căn cứ để điều chỉnh bản thiết kế khóa học và các hoạt động có liên quan.

White background with USB and LAN cable for internet connection IT infrastructure and hardware
Photo by Markus Spiske / Unsplash


Đầu tư cơ sở kĩ thuật hiện đại phục vụ E-learning

Trong bối cảnh CMCN 4.0 với trí tuệ nhân tạo, kĩ thuật số phát triển như vũ bão thì hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc đào tạo E-learning sẽ nhanh chóng bị lạc hậu hoặc không tương thích. Chính vì vậy, việc đầu tư vào cơ sở vật chất như trang thiết bị, máy móc và đặc biệt là phần mềm tiện ích của CNTT có vai trò then chốt để đảm bảo cho phương thức E-learning luôn phát huy vai trò trong việc chuyển đổi việc dạy và học ở bậc đại học.

Các trường đại học cần đầu tư cơ sở kĩ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0 như: đường truyền Internet tốc độ cao, điện toán đám mây, máy tính, mạng nội bộ, phần mềm trí tuệ nhân tạo, phần mềm phục vụ E-learning, website, thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hoá, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế. Các cơ sở đào tạo cần phân bổ về tài chính cũng như sắp xếp về thời gian hợp lí để vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời cả hai hoạt động giảng dạy và nâng cấp hạ tầng mà không ảnh hưởng tới người học.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần quan tâm đến công tác quản lí hiệu quả hạ tầng công nghệ đào tạo trực tuyến đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng, chú trọng việc nghiên cứu phát triển, cập nhật công nghệ mới vào quá trình đào tạo. Quan tâm tới công tác đánh giá việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để kịp thời có giải pháp sử dụng hiệu quả, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển từng giai đoạn khác nhau.

Crimea
Photo by Ivan Ragozin / Unsplash


Đầu tư nâng cao chất lượng nội dung đào tạo phục vụ E-learning

Các trường đại học cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nội dung đào tạo nhằm đạt chuẩn nội dung chuyên môn và kĩ thuật; xây dựng hệ thống lưu trữ bài giảng, học liệu điện tử, chia sẻ qua kênh thông tin của trường. Việc chia sẻ này giúp cho sinh viên đang học được tra cứu thêm nhiều nguồn học liệu, đồng thời có thể đóng góp cho sự phát triển, đổi mới nguồn học liệu ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó cần ban hành hoặc cập nhật mới quy định về tiêu chuẩn học liệu điện tử làm cơ sở để triển khai phát triển nội dung học liệu đồng thời để đánh giá, nghiệm thu trước khi quyết định đưa học liệu vào sử dụng.

Các trường tham gia giảng dạy trực tuyến cần tập trung dành nhiều thời gian, tâm huyết xây dựng hệ thống bài giảng điện tử có chất lượng tốt bằng những việc làm cụ thể như: tạo điều kiện tối ưu cho đội ngũ giảng viên biên soạn học liệu, cung cấp bài giảng mẫu có chất lượng cao của các giáo sư, tiến sĩ hoặc báo cáo thực tế của các chuyên gia đầu ngành; tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp học tập sử dụng học trực tuyến tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước, lắng nghe phản hồi của người học và kịp thời hoàn thiện bài giảng.

Bên cạnh đó, các trường đại học cùng hợp tác, tạo thành mạng lưới chia sẻ nội dung đào tạo, bài giảng qua mạng, tạo nên nguồn tư liệu phong phú cho cộng đồng, từ đó xây dựng hệ thống kho dữ liệu quốc gia để cung cấp nguồn bài giảng, học liệu điện tử đạt chuẩn quốc gia, phát huy nguồn lực của các nhà trường đóng góp vào tài nguyên chung của quốc gia, thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập và học suốt đời.

Đối với hệ thống giáo dục trực tuyến, các trường đại học cũng cần có những quy định sau một chu kì thời gian, thì chương trình học cần phải được liên tục nâng cấp, bổ sung, chỉnh sửa để đáp ứng với sự thay đổi liên tục của xã hội. Cụ thể, các môn học cần phải được làm mới, cần có sự bổ sung sửa đổi để luôn đáp ứng được nhu cầu của xã hội; khung chương trình học cũng cần được xem xét liên tục để có những điều chỉnh phù hợp.

Photo by Jan Antonin Kolar / Unsplash


Đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ E-learning

Các trường đại học cần có chính sách và tiêu chuẩn đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí trong đào tạo trực tuyến, từ đó tăng cường bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng với yêu cầu phát triển của E-learning và đạt chuẩn trong khu vực và quốc tế. Các trường cần tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, thu hút các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về giảng dạy và nghiên cứu; đổi mới cơ chế để giữ người tài.

Vai trò của giảng viên là rất quan trọng trong việc triển khai E-learning, do đó nhà trường cần phải có hình thức đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí, đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sử dụng công nghệ mới cho đội ngũ giảng viên về phương pháp, kĩ năng, khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học, thiết kế bài giảng điện tử đạt chất lượng tốt, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại và quan trọng hơn cả là có năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các trường cũng cần thực hiện có hiệu quả việc đánh giá giảng viên thông qua khảo sát, lấy ý kiến người học. Đảm bảo nguồn lực tài chính và chế độ thù lao cho giảng viên xứng đáng, phù hợp với đặc thù công việc giảng dạy trực tuyến để tạo động lực cho giảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết với nghề khi làm việc trong một môi trường đòi hỏi chuyên môn cao, kĩ năng tốt và khả năng sáng tạo.

Cần tăng cường đội ngũ quản trị E-learning về số lượng và chất lượng để không những vận hành tốt, xử lí kịp thời mỗi khi xảy ra sự cố mà còn phải có những chiến lược lâu dài nhằm phát triển, mở rộng quy mô, phạm vi ứng dụng của hệ thống E-learning trong giảng dạy, học tập và quản lí giáo dục.

Tăng cường công tác nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, hội nghị hoặc tham quan làm việc với các trường đại học áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến nhằm giao lưu, trao đổi, học tập những kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, những kinh nghiệm ứng dụng thành tựu của khoa học, CNTT trong GD-ĐT.


3. Kết luận

Đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức dạy và học rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0. E-learning đã góp phần tạo nên những thay đổi sâu sắc trong giáo dục, từ yếu tố thời gian, không gian không còn bị ràng buộc đến quá trình chuyển giao tri thức cũng trở nên chủ động hơn từ phía người học. Tuy nhiên, thách thức phía trước đối với đào tạo trực tuyến là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các trường cùng với sự hỗ trợ, điều tiết vĩ mô của Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách để biến những thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0.

Câu chuyện kinh doanh Giáo Dục 4.0

Loan Nguyễn Twitter

Loan is a MSc in Nuclear Physics and Application. Loan loves to try challenging tasks, travelling and doing yoga. Loan lives in Hanoi, a beautiful city and works at Hoola, a great company.