Liệu kiến thức có đang bị bán rẻ trên chợ trực tuyến?

Làm sao để định giá hợp lý một khoá học online? Liệu mức giá bạn chọn có bị đắt hay rẻ không? Đắt thì sao mà rẻ thì sao?

Loan Nguyễn
Loan Nguyễn

Quá trình tạo khoá học trực tuyến để bán khiến bạn phải đối mặt với hàng loạt quyết định. Mà dường như cái nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sự thành công chung của khoá học.

Từ việc chọn chủ đề, chọn thiết bị ghi âm, tiêu đề khoá học, nội dung nào cần đưa vào khoá học, cách tạo nội dung, cách tiếp thị khoá học và vân vân.

Việc định giá cũng là một lựa chọn hết sức khó khăn!!!

=============================================

I. Thử nghiệm
II. Tại sao không nên bán khoá học online với giá rẻ mạt?
III. Rẻ như thế nào là quá rẻ?
IV. Khi nào nên bán với giá thấp?
V. Cách tính giá hợp lý
VI. Cách tăng giá trị cho khoá học

=============================================

Định giá khoá học trực tuyến là một lựa chọn khó khăn!

Nếu chưa từng bán khoá học trực tuyến, thì việc định giá khoá học không phải là một điều dễ dàng. Có thể nói, trong số tất cả các bước liên quan đến việc tạo và tiếp thị các khoá học thì chọn giá khoá học là quyết định đứng đầu dánh sách các quyết định khó!

Định giá không nên bị xem nhẹ, bạn không thể xác định giá của khoá học mà không cân nhắc kỹ càng, thấu đáo và có chiến lược rõ ràng.

Giá thành sẽ tác động trực tiếp đến mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ hình thức tiếp thị, đến đối tượng học viên, mức độ support và tất nhiên là doanh thu.

Tính phí quá thấp làm mất đi giá trị của kiến thức mà khoá học mang lại, mất đi doanh thu và khả năng tiếp thị một cách đáng tiếc.

Tính phí quá cao thì hậu quả đương nhiên là ảnh hưởng quyết định mua khoá học của học viên, khi đó việc giảm giá là đương nhiên. Việc giảm giá này thực sự tồi tệ, tin tôi đi!

Vậy định giá bao nhiêu cho khoá học online của bạn thì hợp lý?
Đáng tiếc là không có một câu trả lời chính xác chung cho mọi khoá học online.

Dưới đây Hoola hướng dẫn bạn định giá khoá học online của mình sao cho hợp lý nhất.

I. Thử nghiệm

Hãy bắt đầu với một khoá học 99k-199k-299k-399k-…

Đây là kinh nghiệm thực tế của những thầy cô đang giảng dạy và kinh doanh online. Khoá học đầu tiên này nhằm mục đích thăm dò thị trường.

Bạn hãy thử nghiệm nhu cầu thị trường với một khoá học giá rẻ.

Với một khóa học thử nghiệm nhỏ, bạn có thể xác định được nhu cầu thực tế của học viên. Từ đó làm cơ sở để tiếp tục xây dựng khoá học theo hướng mà thị trường cần.

Doanh số bán khoá học thử nghiệm là minh chứng chứng tỏ nhu cầu thị trường là có thật. Bạn nên đầu tư vào giá trị mà học viên có thể nhận thấy. Khi khoá học thực sự mang lại thêm giá trị là lúc bạn tăng giá bán khóa học online đó.

Bán rẻ không phải là một ý hay

II. Tại sao không nên bán khoá học online với giá rẻ mạt?

Nếu lần đầu tiên bán khoá học trực tuyến, bạn rất dễ bị định giá thấp cho khoá học của mình.

Có thể bạn không đủ tự tin khi mới bắt đầu. Có thể bạn chưa thấy hoàn toàn ứng ý với sản phẩm đầu tiên, hay bạn thấy nội dung như vậy vẫn chưa đầy đủ. Bạn cũng không biết thị trường sẽ sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho khoá học của mình. Hay cũng có thể bạn chưa có sẵn tập khách hàng….

Trên mạng hiện nay cái gì cũng có, kiến thức free ở khắp mọi nơi. Mọi người có thể tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: ebook, podcast, video Youtube, sách nói, slides, … Bạn sẽ lo lắng việc ai lại đi trả tiền cho những kiến thức có thể tìm thấy trên mạng.

Vâng, có rất nhiều người ngoài kia không ngại dành vô số thời gian quý báu của họ để tìm kiếm thông tin miễn phí trực tuyến. Nhưng đây là những người sẽ hiếm khi chi một khoản tiền đáng kể cho học trực tuyến hay học tập nói chung.

Cũng có những người thường xuyên mua các khóa học từ các chợ khóa học rẻ tiền (nơi các khóa học thường được bán với giá dưới 500 nghìn), nhưng không bao giờ thực sự hoàn thành chúng. Giống như những cuốn sách chưa mở trên giá sách, những khóa học này thường nằm đó phủ bụi cho đến khi chúng bị lãng quên hoặc trở nên lỗi thời. Đó là một bi kịch trong giáo dục trực tuyến.

Nhưng tin tốt là có một nhóm người thứ ba: những người sẵn sàng trả một khoản phí cao để đổi lấy thông tin và kiến thức chất lượng một cách có hệ thống và nhanh chóng. Họ hiểu rằng “tiền nào của ấy”. Họ muốn học hỏi và tiếp cận với một chuyên gia và họ muốn trả tiền cho đặc quyền đó. Họ không chỉ hoàn thành khóa học của bạn mà còn triển khai những gì họ học được. Họ mua tốc độ và sự tiện lợi. Đây là những người xứng đáng nhận được kiến thức từ khoá học của bạn.

Vậy vấn đề của định giá thấp là gì?

Vấn đề khi bán giá rẻ

Có một vài tình huống mà việc bán rẻ khoá học (hoặc thậm chí tặng miễn phí) là việc cần làm và tôi sẽ đề cập đến chúng ở phần sau của bài viết này. Nhưng trước tiên, tôi muốn chia sẻ một số lý do chính khiến cho việc bán khóa học với giá thấp nói chung là một ý kiến tồi.

1. Khiến bạn lười quảng bá tiếp thị

Khi bán khoá học với giá rẻ, bạn sẽ lười tiếp thị. Hãy suy nghĩ về điều đó. Liệu bạn có chịu đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để tiếp thị khóa học mà mỗi lần bán hàng chỉ có lãi rất rất ít. Bạn nên nhớ khoá học chứ không phải hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đừng sai lầm khi nghĩ rằng mọi người sẽ mua thứ gì đó chỉ vì nó rẻ. Mọi người muốn biết chính xác họ sẽ mua cái gì và nó có giá trị như thế nào. Chỉ vì giá thấp không có nghĩa là họ sẽ móc tiền túi một cách dễ dàng. Giá thấp hay không thì bạn vẫn phải thuyết phục người mua bỏ tiền mồ hôi nước mắt của họ ra :).

2. Bạn sẽ không có tiền để quảng cáo khóa học của mình

Khi bạn bán khóa học trực tuyến của mình với giá rẻ, bạn sẽ ngay lập tức hạn chế khả năng chi tiền để quảng bá khóa học và tạo ra lợi tức đầu tư (ROI) dương. Thực tế, khi bạn định giá khóa học thấp, khả năng bị thua lỗ rất cao khi bỏ tiền ra quảng cáo.

Ví dụ:

Giả sử bạn bán khóa học của mình với giá 500k. Số tiền chi cho các quảng cáo ( như Facebook) và các chi phí khác, thì tính ra chi phí bạn phải bỏ ra cho một khách hàng tiềm năng là 50k. Khách hàng tiềm năng là người thể hiện sự quan tâm đến khóa học của bạn (ví dụ: bằng cách nhấp vào quảng cáo hoặc đăng ký vào danh sách email) nhưng chưa mua khóa học.

Tiếp tục, giả sử rằng tỷ lệ chuyển đổi của bạn từ khách hàng tiềm năng thành người mua là 5%. Vì vậy, cứ mỗi 20 khách hàng tiềm năng mà bạn có được 01 khách, bạn bán được 1 khóa học (20 x 5% = 1). Vì mỗi khách hàng tiềm năng có giá 50k, bạn cần chi 1 triệu cho quảng cáo để tạo ra một lần bán hàng trị giá 500k. Trong trường hợp này, bạn lỗ 500k. Bạn có thể thấy tại sao việc bán giá rẻ sẽ có kết cục như thế nào nếu chi tiêu vào quảng cáo?

3. Làm giảm giá trị của khoá học

Tiền nào của ấy. Hầu hết chúng ta đều tin như vậy, điều này có nghĩa là việc bán khóa học với giá thấp sẽ làm giảm đáng kể giá trị cảm nhận của nó. Nếu giá rẻ thì sản phẩm cũng rẻ tương xứng.

Giá trị cảm nhận của khóa học trực tuyến sẽ là động lực rất lớn trong việc bán hàng và là yếu tố định giá khoá học.

Có một hiệu ứng tâm lý rằng giá của khoá học sẽ định hình thị trường mục tiêu của bạn. Từ góc độ thương hiệu, thì chúng ta nên đặt khoá học của mình như một lựa chọn cao cấp trên thị trường.

4. Giá trị của đào tạo trực tuyến không thua kém đào tạo trực tiếp

Giá trị cảm nhận của một sản phẩm giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi cách thức cung cấp nó, và càng không phải bởi các yếu tố như chuyên môn của người hướng dẫn và tính cụ thể của chủ đề vì nó liên quan đến nhu cầu của học viên, là cái mà học viên nhận được từ khoá học.

Một số người thậm chí thích học trực tuyến vì lý do đơn giản là nó thuận tiện hơn và họ có thể học theo tốc độ của riêng mình.

Khi cung cấp dịch vụ trực tuyến bạn phải gạt bỏ mọi thành kiến. Nếu bạn tin là giảng dạy trực tuyến có giá trị thấp hơn giảng dạy trên lớp, thì gần như chắc chắn bạn sẽ làm cho khách hàng của mình tin như vậy.

5. Cạnh tranh về giá là “cuộc đua đến đáy”

Bất kể bạn đặt giá thấp như thế nào, sẽ luôn có ai đó đưa ra giá thấp hơn.

Dù sao đi nữa, khách hàng thích giá rẻ không phải là kiểu khách hàng mà bạn mong muốn. Đừng lãng phí thời gian của bạn khi cố gắng phục vụ những người này. Tập trung vào việc tiếp thị khóa học của bạn cho những người sẽ tôn trọng giá trị của nó và những người sẽ không hủy mua hàng và yêu cầu hoàn lại tiền ngay khi họ tìm thấy một khóa học tương tự rẻ hơn.

6. Việc bán một khóa học giá thấp cũng cần nhiều nỗ lực như bán một khóa học giá cao

Nỗ lực khiến ai đó mua khoá học chỉ dễ dàng hơn một chút khi mức giá thấp hơn.

Giá cả và chiết khấu chỉ quyết định một phần quyết định mua hàng. Để có được khách hàng tiềm năng, nuôi dưỡng họ và cuối cùng là bán cho họ đòi hỏi đầu tư về thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Quy trình bán hàng mà bạn hướng dẫn ai đó để bán khóa học có giá thấp hơn có thể sẽ không khác nhiều so với quy trình bạn hướng dẫn họ để mua khóa học có giá cao.

“Cứ mỗi giờ hoặc mỗi đồng bạn đầu tư bán một khóa học có giá cao hơn, bạn có khả năng nhận được lợi tức đầu tư tốt hơn so với một khóa học có giá thấp. Điều này là do công sức đầu tư của bạn là tương đương nhau khi bán với giá thấp cũng như ở mức giá cao.

Nếu bạn đang xây dựng kênh bán hàng, chạy quảng cáo, gửi email hoặc thậm chí gọi điện thoại để quảng bá khóa học của mình, thì những chi phí đó thường rất giống nhau bất kể giá của bạn cao đến mức nào. Vì vậy, có thể tính phí nhiều hơn có nghĩa là bạn sẽ nhận được lợi tức đầu tư tốt hơn nhiều.

7. Giá thấp khó thu hút các đối tác liên doanh

Một trong những cách tốt nhất để quảng bá và bán khóa học là liên doanh với những đối tác có khả năng tiếp cận thị trường mục tiêu. Đây là những người hoặc tổ chức có cơ sở dữ liệu về khách hàng tiềm năng và sẵn sàng quảng bá khóa học của bạn vào cơ sở dữ liệu của họ để đổi lấy hoa hồng.

Vấn đề khi bán giá thấp là bạn đã tự giới hạn doanh thu mà đối tác liên doanh của bạn đáng nhận được. Hoa hồng cao hơn sẽ cho họ động lực lớn hơn.

8. Giá thấp hơn thu hút khách hàng chất lượng thấp hơn

Là người tiêu dùng, chúng ta có xu hướng đánh giá những thứ chúng ta mua tỷ lệ thuận với giá chúng ta phải trả cho chúng. Logic tương tự cũng áp dụng cho các khóa học trực tuyến.

Khi ai đó mua khóa học của bạn với giá thấp, thì khả năng cao là họ sẽ không hoàn thành khóa học chứ chưa nói đến áp dụng kiến thức học được.

Khi bạn chi tiêu vài triệu (và đặc biệt là khi bạn chi hàng trăm triệu) cho một khóa học trực tuyến, có khả năng cao hơn là bạn sẽ hoàn thành khóa học và áp dụng những gì bạn học được vì bạn có động cơ nhận được lợi tức khi đầu tư vào khoá học ấy. Giá khóa học cao hơn sẽ thu hút nhiều sinh viên có năng lực hơn và cam kết hơn.

Điểm mấu chốt khi tạo khoá học là giúp mọi người đạt được kết quả, một kết quả cụ thể.

Giá cao mang lại những khách hàng NGHIÊM TÚC nhất. Khách hàng nghiêm túc sẽ mang lại nhiều những khoá học thành công. Học viên thành công hơn dẫn đến nhiều khách hàng nghiêm túc hơn...

III. Rẻ như thế nào là quá rẻ?

Hy vọng bạn tin rằng định giá khóa học thấp, trong hầu hết các trường hợp, là một ý tưởng tồi. Vì vậy, câu hỏi hợp lý tiếp theo là, thấp như thế nào là quá thấp?

Một mức giá được coi là quá thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm thị trường ngách / thị trường cụ thể, chủ đề khóa học, hoạt động tiếp thị của bạn, niềm tin bạn có với thị trường cũng như quyền hạn và uy tín của bạn trên thị trường.

Nhưng theo nguyên tắc chung, chúng tôi khuyên bạn không nên bán khóa học trực tuyến của mình với giá dưới 500k. Trừ khi mục tiêu của bạn là gì đó khác ngoài việc tối đa hóa doanh thu từ việc bán khóa học, bạn có thể nên định giá khóa học của mình từ 1 triệu đồng trở lên.
Nhưng, có một vài tình huống mà việc bán rẻ thực sự có thể là một bước đi thông minh.

IV. Khi nào nên bán khoá học trực tuyến của bạn với giá thấp?

Dưới đây là một số tình huống hợp lý khi bán khóa học của bạn với giá thấp:

1. Trong thời gian thử nghiệm trước khi ra mắt

Một kỹ thuật có thể giúp bạn bắt đầu kinh doanh khóa học là bán trước khi ra mắt chính thức. Bạn có bán ngay cả khi khóa học của bạn chưa hoàn thiện, học viên sẽ có quyền truy cập vào khóa học ngay sau khi nó được phát hành.

2. Giảm giá có thời hạn

Khi bạn đặt thời hạn sau đó giá khóa học sẽ tăng lên, nó sẽ khuyến khích mọi người mua ngay. Hạn chót tạo ra cảm giác cấp bách. Vì vậy, nếu bạn đang tổ chức hội thảo trên web, thực hiện một buổi ra mắt lớn hoặc giảm giá trong thời gian có hạn, bạn có thể đưa ra mức giá thấp hơn trước thời hạn. Giá thấp nhưng đừng quá thấp, nếu bạn giảm giá quá thấp, bạn có nguy cơ làm giảm giá trị cảm nhận của khóa học.

Trên thực tế, bạn cũng có thể tặng quà thay vì giảm giá có thời hạn.

3. Khi giảm giá là phương sách cuối cùng để có được khách hàng

Trong một số trường hợp, giảm giá được xem như biện pháp cuối cùng để có được khách hàng mới là một lựa chọn sáng suốt.

Cách định giá cho mọi khóa học trực tuyến:

Nếu bạn quyết định bán khóa học online của mình với giá rẻ (hoặc thậm chí tặng miễn phí), tôi hy vọng rằng bạn đang làm như vậy có chủ đích và có chiến lược. Nhưng nếu cần tính phí sao cho hợp lý, thì chúng ta bắt đầu.

dreidel or soviwon on the table
Photo by Tetiana SHYSHKINA / Unsplash

V. Cách tính giá hợp lý

Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi chọn giá cho khóa học trực tuyến của bạn:

1. Không định giá khóa học của bạn dựa trên độ dài của khóa học

Nhiều giảng viên trực tuyến nghĩ rằng để tính phí cao, họ cần phải tạo một khóa học rất dài. Điều này hoàn toàn không đúng. Thời lượng của khóa học trực tuyến của bạn không nên là một yếu tố quyết định việc khoá học đáng giá bao nhiêu.
Định giá phải dựa trên giá trị của nội dung, không phải độ dài của nội dung.

Nếu bạn có thể dạy ai đó đạt được kết quả họ muốn với 3 giờ hướng dẫn, thì đừng tạo ra 7 giờ đào tạo.

Thực ra, học viên sẽ mong đợi một lượng nội dung nhất định dựa trên mức giá họ phải trả cho khóa học. Ví dụ: nếu bạn tính phí 1 triệu đồng cho một khóa học kéo dài 30 phút, học viên có thể sẽ cảm thấy bị lừa gạt và yêu cầu hoàn lại tiền. Nếu bạn tính phí 500k trở lên cho khóa học của mình, tôi khuyên bạn nên có ít nhất 3-5 giờ đào tạo. Nếu bạn tặng miễn phí khóa học của mình thì thời lượng không thành vấn đề.

“Một sai lầm lớn ở đây là mọi người nghĩ rằng họ chỉ cần thêm nhiều nội dung hơn để biện minh cho giá cả. Và sự thật là, điều đó là sai 100%. Khóa học trực tuyến của bạn là con đường tắt. Công việc của bạn là giúp họ có được kết quả nhanh nhất và an toàn nhất có thể. ”

2. Tham khảo giá trên thị trường

Thông thường bạn có thể xem giá của các khóa học cạnh tranh và sau đó định giá khoá học của bạn ở đâu đó ở giữa. Đây không phải là một ý hay. Định giá khóa học dựa trên giá trị mà bạn cung cấp cho học viên thông qua nội dung giảng dạy và sự hỗ trợ trong và sau khoá học, cũng như kết quả mà bạn giúp học viên đạt được. Đừng định giá dựa trên giá mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang tính cho các khóa học của họ.

Nếu bạn định nghiên cứu sự cạnh tranh của mình, hãy làm điều đó chỉ đơn giản là để xác thực thực tế rằng có những người ngoài kia đang trả tiền để tìm hiểu chủ đề của bạn. Làm điều đó để xác nhận nhu cầu thị trường, không phải để chọn giá khóa học của bạn. Nếu bạn thực sự muốn, bạn có thể mua một khóa học cạnh tranh chỉ để xem có gì trong đó và sử dụng khóa học đó làm tiêu chuẩn để tạo một khóa học trực tuyến khác biệt, tốt hơn hoặc cụ thể hơn theo một cách nào đó.

Nếu không thể tìm thấy bất kỳ khóa học cạnh tranh nào về chủ đề của mình đang được bán với giá cao, điều đó không có nghĩa là bạn không thể là người đầu tiên.

3. Học viên nhận được gì từ khoá học

Một yếu tố thực sự định lượng giá trị của khoá học là kết quả.

Bằng cách xác định một cách định lượng kết quả mà bạn giúp học viên đạt được, bạn có thể định giá khóa học dễ dàng.

Ví dụ, nếu bạn có thể giúp ai đó được thăng tiến trong công việc hoặc nhận được một công việc cụ thể sau khoá học, thì đó là một kết quả chắc chắn có thể xác định được.

“Nếu khách hàng của bạn cố gắng tự mình tìm hiểu và tự học kiến thức tương tự bạn mang lại trong khoá học, họ sẽ mất bao lâu? Họ sẽ phải chi bao nhiêu tiền? Bạn đang tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho họ? ” - David Siteman Garland

4. Thử nghiệm các mức giá khác nhau

Việc này cần thời gian, nhưng là một cách tuyệt vời để biết mức giá tối ưu là bao nhiêu. Thử nghiệm các mức giá khác nhau để xem từng mức giá ảnh hưởng đến doanh số bán hàng như thế nào.

Nếu định thử nghiệm, bạn có lẽ nên bắt đầu với mức giá thấp (nhưng không quá thấp) và sau đó tăng dần lên. Tiếp tục tăng giá cho đến khi doanh số bán hàng của bạn bắt đầu có dấu hiệu giảm. Khi đó, bạn sẽ biết rằng bạn đang đạt đến mức trần mà thị trường mục tiêu sẵn sàng trả cho khóa học của bạn.

Mức giá tối ưu phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh cụ thể, nhưng mục tiêu là tìm ra điểm tạo ra doanh thu tốt nhất.

Dưới đây là biểu đồ để cho bạn biết việc thử nghiệm các điểm giá khác nhau cho đến khi bạn gặp ngưỡng kháng cự có thể trông như thế nào:

5. Bạn có uy tín bao nhiêu trong lĩnh vực của bạn

Hãy nghĩ xem bạn có sức ảnh hưởng như thế nào trên thị trường. Tên của bạn hoặc tên tổ chức của bạn có dễ nhận biết đối với khách hàng mục tiêu không?

Bạn đã dành vài năm để xây dựng tập khách hàng tiềm năng chưa? Bạn đã từng xuất bản một cuốn sách chưa? Bạn đã từng phát biểu tại các hội nghị chuyên ngành nào chưa? Bạn đã được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông chưa? Bạn đã dành giải thưởng nào cho công việc của mình chưa? Bạn có reveiw tích cực từ các học viên cũ không? Tất cả những yếu tố này là cơ sở cho việc tính giá khoá học cao hơn.

Nếu bạn chưa được coi là “chuyên gia” về chủ đề của mình, thì việc xuất bản nội dung miễn phí là cách tuyệt vời để xây dựng lòng tin và quyền lực trên thị trườn. Bạn đã có một blog? Một kênh YouTube? Một podcast? Đây là những điều kiện tuyệt vời để chia sẻ nội dung miễn phí và xây dựng lòng tin với học viên.

6. Xem xét chi phí khi khách hàng sử dụng các lựa chọn thay thế

Nếu không tham gia khóa học của bạn, liệu học viên có cách nào khác để đạt được kết quả tương đương? Nó sẽ mất bao nhiêu thời gian để học tập rút kinh nghiệm? Họ sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để thuê một huấn luyện viên hoặc chuyên gia tư vấn giúp họ? Họ sẽ tốn bao nhiêu tiền để bay đến một thành phố khác để tham dự một hội thảo về chủ đề đó? Họ sẽ tốn bao nhiêu tiền để tham gia một khóa học tương tự tại một trường cao đẳng/ đại học?

So với giá mà bạn đưa ra, những lựa chọn này có thể đắt hơn và mất thời gian hơn. Đây là lợi thế của bạn. Nó có nghĩa là khóa học của bạn có thể được coi là một món hời khi so sánh với các lựa chọn kia.

7. Xem xét mục tiêu của khóa học

Cuối cùng, khi bạn chọn giá cho khóa học trực tuyến của mình, hãy xem mục tiêu của khoá học là gì.
Lý do bạn tạo và bán khoá học là gì? Bạn muốn khóa học của mình làm được gì? Mục tiêu doanh thu cụ thể trong năm? Mục tiêu của bạn là tạo khách hàng tiềm năng và xây dựng danh sách email khách hàng? Làm rõ mục đích của khóa học trực tuyến vì nó liên quan đến mục tiêu của bạn và bạn sẽ định giá khóa học dựa trên những mục tiêu đó.

Ví dụ: nếu mục tiêu của khóa học là thêm một nguồn doanh thu bổ sung cho doanh nghiệp, thì hãy xác định mục tiêu doanh thu của bạn và làm việc từ đó trở lại. Giả sử mục tiêu của bạn là tạo ra 300 triệu doanh thu từ việc bán khóa học trong 12 tháng tới. Bạn sẽ cần bao nhiêu sinh viên đăng ký và ở mức giá nào để đạt được mục tiêu đó? Hãy xem một số tip để biến điều đó thành hiện thực:

VI. Cách tăng giá trị cho khoá học

Nhưng làm sao để tăng giá trị cho khoá học, để bạn có thể tự tin định giá một cách xứng đáng:

1. Nội dung kiến thức cụ thể

Khoá học của bạn càng cụ thể, bạn càng có cơ sở tính phí cao hơn. Khoá học phải rất rõ ràng về nội dung của khóa học, dành cho ai (và không dành cho ai).

2. Tạo cộng đồng học viên

Xây dựng cộng đồng học viên là một cách tuyệt vời để tăng giá trị cho khóa học. Học viênkhông chỉ được hưởng lợi khi được tương tác với bạn nhiều hơn, họ còn được hưởng lợi từ việc tương tác và xây dựng mối quan hệ với những sinh viên khác đang tham gia khóa học. Ví dụ tạo Nhóm Facebook là một cách dễ dàng và hiệu quả.

3. Coaching 1:1 hoặc coaching nhóm

Cả coaching 1:1 và coaching nhóm đều đều thúc đẩy học viên hoàn thành khóa họ, ngoài ra bạn thể trả lời thắc mắc tới mỗi học viên hoặc nhóm học viên.

4. Tổ chức các buổi video conference với học viên

Cân nhắc tổ chức cuộc gọi hội nghị trực tiếp hoặc hội thảo trên web với học viên hàng tháng. Bạn có thể tận dụng để trả lời các câu hỏi cụ thể, đi sâu vào chủ đề cụ thể một cách chi tiết hơn hoặc thậm chí mời một diễn giả làm khách mời đến chia sẻ với học viên một cách chuyên nghiệp.

5. Tài liệu tham khảo

Nhiều giảng viên trực tuyến cung cấp cho sinh viên các tài liệu có thể download như video bài học, slide hay podcast. Đó cũng là cách để tăng giá trị của khóa học và tối ưu trải nghiệm học tập của học viên.

6. Đóng gói sản phẩm

Thay vì chia đều học phí trong suốt thời gian học thì học viên sẽ trả trước toàn bộ chi phí theo gói. Bạn sẽ thấy cách này tất hiệu quả để tăng doanh thu khoá học.

8. Hợp tác

Nếu nội dung khóa học của bạn đề xuất các công cụ, phần mềm hoặc các sản phẩm phục vụ khoá học, thì việc hợp tác với những người bán để tạo ưu đãi đặc biệt cho học viên cũng là một cách tăng giá trị cho khoá học.

9. Cấp chứng chỉ

Chứng chỉ mang lại giá trị gia tăng hiệu quả vì chúng mang lại cho sinh viên của bạn thứ gì đó làm bằng chứng để “khoe” sau khi họ đã hoàn thành khóa học. Chúng cũng có thể rất tốt để tăng sự tham gia của sinh viên vì phần thưởng khi nhận được chứng chỉ sẽ giúp sinh viên của bạn có thêm động lực để hoàn thành khóa học của bạn.

10. Tạo các mức giá khác nhau

Mẹo cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ với bạn là tạo các mức giá khác nhau cho khóa học. Người mua thích có nhiều lựa chọn khác nhau (đó là một vấn đề tâm lý). Nếu bạn chỉ đưa ra một mức giá cụ thể cho khóa học của mình, thì rất có thể họ sẽ xem các khóa học cạnh tranh như các lựa chọn khác. Khi bạn tạo các mức giá khác nhau cho cùng một khóa học, bạn đáp ứng nhu cầu của người mua để so sánh các tùy chọn khác nhau. Và điều tốt nhất là, bất kể họ chọn mức giá nào, cuối cùng họ vẫn trở thành khách hàng của bạn!

Điểm mấu chốt là mọi người thích được lựa chọn. Các mức giá giúp họ có cơ hội đánh giá các tùy chọn và chọn những gì tốt nhất cho họ. Bằng cách cho họ lựa chọn trên website của bạn, họ không phải chọn giữa bạn và đối thủ cạnh tranh. Họ có thể chọn giữa bạn ở một mức giá và bạn ở mức giá khác.

Kinh nghiệm tạo khóa học online chuyên nghiệpKinh nghiệm xây dựng website khóa học online

Loan Nguyễn Twitter

Loan is a MSc in Nuclear Physics and Application. Loan loves to try challenging tasks, travelling and doing yoga. Loan lives in Hanoi, a beautiful city and works at Hoola, a great company.