Cần phát triển chiến lược học trực tuyến như thế nào tại Việt Nam?

Câu chuyện dạy và học theo tiếp cận trực tuyến đối với tất cả các hệ/bậc trong hệ thống giáo dục Việt Nam từ những ngày đầu phòng dịch Covid-19 với nhiều bỡ ngỡ từ người dạy, người học, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này từ ứng phó khủng hoảng dịch bệnh việc học trực tuyến đang đặt ra các vấn đề chiến lược để phát triển mô hình học tập này. Hãy cùng Hoola nghiên cứu về vấn đề này.

Hệ thống giáo dục Châu Á đã chuẩn bị chiến lược đầu tư dạy và học online bằng các chiến lược rõ ràng cách đây khoảng 20 năm và đã chuyển sang cấp chiến lược chiều sâu cho đến thời điểm hiện nay. Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi tiên phong về mặt Luật và các chính sách ban hành, trong thời gian gần đây nhất là các Đề án Hệ tri thức Việt và Đề án chuyển đổi số quốc gia đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ với kỳ vọng nâng cao việc tập trung nguồn lực tri thức và năng lực tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người theo phương châm học tập suốt đời.

Tuy vậy các chiến lược hỗ trợ hệ thống giáo dục có yếu tốcông nghệ thông tin mang tính đột phá và trọng tâm cần phải được định hướng ở cấp quốc gia thì mới kỳ vọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kỹ năng thế kỷ 21 góp phần nâng cao tính sáng tạo và năng suất quốc gia. Do vậy cần phải có một chiến lược hay một cấu phần trong chiến lược tổng thể quốc gia từ các đề án đang vận hành và tập trung vào các nội dung cốt lõi.

Thứ nhất, cần có các dự án mang tính hệ thống đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là nền tảng kỹ thuật số cho dạy và học trực tuyến, các tài nguyên số phục vụ cho chương trình đào tạo, và cộng đồng học tập trực tuyến tại mỗi cơ sở giáo dục nói riêng và cho cả hệ thống giáo dục nói chung.

Thứ hai, cần có một hành lang pháp lý từ Bộ giáo dục đào tạo về việc tích hợp công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là xây dựng các kế hoạch phổ cập kiến thức công nghệ thông tin như một phần của chương trình đào tạo, cung cấp các chương trình/khóa đào tạo công nghệ thông tin, quy định tỷ trọng thời gian học có ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích người dạy ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo, và phát triển sách giáo khoa điện tử phục vụ giáo dục trực tuyến.

Thứ ba, cần có các đề án cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục gắn kết các yếu tố của học trực tuyến vào quá trình đánh giá kết quả học tập của người học; cụ thể, đó là xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ thông tin cơ bản mà người học cần đạt được, và bồi dưỡng người học ứng dụng chúng trong học tập.

Thứ tư, cần có các chính sách khuyến khích các đơn vị công nghệ thông tin phối hợp với các cơ sở giáo dục phát triển chuyên môn công nghệ cho người dạy; cụ thể, đó là cung cấp các chương trình/khóa đào tạo công nghệ thông tin cho giáo viên/giảng viên, áp dụng tiếp cận đồng giảng có sự tham gia các nhân sự kỹ thuật trong đào tạo giáo viên/giảng viên, và thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ thông tin cơ bản cho giáo viên/giảng viên.

Thứ năm, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cơ sở giáo dục và người dạy trong giáo dục trực tuyến; cụ thể, đó là tăng cường sự lãnh đạo của cơ sở giáo dục trong việc dạy-học-thi-quản trị trực tuyến, hỗ trợ các chương trình thí điểm giáo dục trực tuyến, phát triển các khóa đào tạo giúp người dạy làm chủ quá trình dạy và học trực tuyến, thúc đẩy các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, tài trợ các trung tâm nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, và xây dựng các kế hoạch giáo dục trực tuyến tại trường.

Những vấn đề chiến lược trên cần được chúng ta giải quyết để hướng đến một nền tảng bền vững trên toàn hệ thống giáo dục Việt Nam. Cụ thể là nền tảng về Công nghệ; Sự sẵn sàng về tâm lý cho dạy và học trực tuyến; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế để giúp cho mô hình học tập trực tuyến tại Việt Nam phát triển không chỉ còn như một cách đối phó với dịch bệnh.